Thursday, July 16, 2009

Thắng Lợi

Thằng em xuống biển lên rừng
Làm thân con thú kiếm từng miếng cơm
Đêm đen gió bẻ cộng rơm
Thằng anh hành khất sớm hôm ăn mày.

Hai anh em , đến nơi này
Không cha không mẹ thân gầy xác xơ
Cạnh đường ngọn cỏ bơ vơ
Sống nhờ sương móc bên bờ rãnh khô

Con đương lầy lội nhấp nhô
Ngôi nhà không nóc cái mồ trắng tinh
Thằng anh ngã nước chết sình
Thằng em thân vạc một mình héo hon


........................................
..............................................

Hồi sơ tán năm 72 , nhà mình ở ngần nhà hai anh em thằng Thắng thằng Lợi. Chẳng hiểu sao bố nó lại đặt tên anh em nó như vậy. Hình như bố nó đang ước mơ quân ta luôn thắng lớn trong chiến trường.

Mình chơi với đứa em . Nó hơn mình những 4 tuổi , nhưng người nó nhỏ hơn mình, nên mình với nó cứ tao tao mày mày. < mãi sau này mình mới biết nó hơn tuổi mình >

Da nó đen nhẻm đen nhèm , đen như củ súng , bọn mình gọi nó là thằng lợi đen.

Anh Thắng nó ngày trước đi thanh niên xung phong trong trường sơn , bị mảnh bom vỡ mảng sọ, bây giờ là thương binh. Mình chẳng biết anh nó là thương binh loại mấy mà chẳng thấy anh nó được cấp tiền thương binh bao giờ.

Chả biết có phải không ,nhưng ngày ấy nghe người ta nói thanh niên xung phong không được hưởng chế độ chế điếc gì.

Anh nó suốt ngày ngồi trong bếp, lầm lì , ai chào cũng không nói , ai gọi không thưa.
Thi thoảng lại với tay lấy cái điếu cầy , bắn một hơi dài , nhả khói mù mịt rồi cười cười nói nói, nói chuyện với khói thuốc lào cả ngày.

Người ta nói mẹ nó chết bom Giôn Sơn từ hồi năm 68. Bố nó đi lấy vợ hai. Bà gì ghẻ độc ác suốt ngày đánh chửi hai anh em nó . Đến nỗi bố nó phải làm cho hai anh em nó một cái lều tranh nho nhỏ, rồi bỏ anh em nó một mình, đi theo bà hai.

Thi thoảng mới thấy bố nó đến thăm hai anh em. Nó không học hành gì , ngày thì lên rừng , ngày thì xuống biển . Biển , rừng đã nuôi hai anh em. Nó ít nói , không bao giờ thấy nó cười. vui lắm nó cũng chỉ nhếch mép lên một tý, trông như ông cụ non.



Những ngày nghỉ học , mình thường theo nó lên rừng đào rễ tray. Trong rừng nó đi nhanh như con hoẵng, mình cứ chốc chốc phải chạy theo. Nó có biệt tài nhìn cây biết rễ. Cây nào nó bảo đào là có , cây nào nó bảo không đào mà cố tình đào thì chỉ ăn cám.

Có hôm ở gần dốc Cổng Trời, mình chứng kiến nó đào chỉ một rễ mà hai thằng làm hai gắnh nặng. Nó khẽ nhéch mép nói, Rễ đuổi . Mình hiểu rễ đuổi là một loại rễ kéo dài từ gốc cây xuống sườn núi dài đến cả trăm mét. Đi đào rễ tray chỉ cần trúng một rễ là đủ ăn.

Vào những năm 80 bệnh của anh nó ngày càng nặng, nhiều khi anh nó bỏ nhà đi lang thang. Chân đất, trần truồng không quần không áo, đầu tóc bù sù như tổ quạ. Cứ vừa đi vừa nói chuyện với cỏ cây. Thi thoảng đứng lại nhìn mặt trời rồi chỉ tay chỗ này , chỗ kia.

Có đêm đang ngủ , mình còn nghe thấy tiếng nó gọi anh, cứ Thắng ơi ...Thắng ơi mày ở đâu ..nghe mà chẩy nước mắt.

Tìm được anh , nó phải rỗ khéo anh nó mới về. Nhiều khi anh nó thấy nó là chốn . Có lần nó đi rừng về, trời đã tối mà không thấy anh , nó đi tìm , tìm khắp thị trấn suốt cả đêm không thấy, sáng hôm sau thấy anh nó nằm cong queo trong cái chuồng lợn rỗng không.

Mình hỏi nó Sao không đưa anh đi trại tâm thần. Nó nói.... Quen rồi.

Những năm đói , cả nước phải ăn hạt bo bo , ăn mì bột. Có hôm mình sang nhà nó chơi , thấy hai anh em nó hết gạo, đang ăn củ mì với rau tầu bay rừng. Mình về nhà xúc trộm bố mẹ hai tô gạo mang sang cho nó. Nó không những không lấy mà còn sừng sộ đòi vác ghế đập . Từ ấy mình chẳng dám cho gì.

Ngày quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1982 , cả thị trấn đi mít tinh kỷ niệm ngày độc lập, Mình với thằng Lợi đứng giữa sân , ngay chân cột cờ . Nghe ông cán bộ huyện nói chuyện . Ông nói...Nhờ ơn đảng và chính phủ.....Nhờ ơn đảng và chính phủ.....Dân ta có đủ cơm ăn. Nhờ ...nhờ.

Giọng ông khi thì hừng hực lửa , khi thì thào như lời tâm sự , nghe cảm động lắm , ai cũng rơm rớm nước mắt.


Chiều tối mới về nhà, không thấy anh đâu. Chạy đi tìm , thấy anh nó chết nổi cái lưng dưới ao bèo trước cửa.

Nó mang anh nó vào bếp , đốt lửa sưởi cho anh nó , rồi cứ thế ôm lấy anh , không chịu cho người ta đem chôn, buồn ơi là buồn.

No comments:

Post a Comment